Chào mừng đến với cổng thông tin điện tử Trung tâm đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông
Cập nhật :8:52 23/1/2019

VOVTC - Trong hai ngày 14 và 15/05/2010, khóa tập huấn “Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh dự thi quốc tế” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Phát thanh- Truyền hình châu Á- Thái Bình Dương (ABU) tổ chức cho phóng viên, biên tập viên ở các hệ đem lại hiệu quả đạt mong muốn.

Có thể chỉ ra một số điều chú ý đối với phóng viên, biên tập viên trong việc gửi tham gia các chương trình phát thanh dự thi quốc tế như sau:

1. Xác định tiêu chí của giải thưởng:

- Làm tăng cường sản xuất các chương trình chất lượng cao chất lượng trong phát thanh nói chung và phát thanh khu vực châu Á- Thái Bình Dương nói riêng.

- Nâng cao tính giáo dục và văn hóa

- Tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong ABU và khu vực châu Á- Thái Bình Dương (nêu rõ được điểm đặc biệt của mỗi dân tộc, ví dụ: dân ca các dân tộc, đời sống tình dục của các bạn trẻ, phóng sự điều tra về giáo dục).

- Với mục đích “nâng cao uy tín giải thưởng ABU cùng với mục tiêu tăng cường tính ưu việt của phát thanh”, ngoài các giải chính cho các thể loại như kịch truyền thanh, thông tin giải trí, thanh thiếu niên, tin tức, phóng sự/chuyên đề, phát thanh đối ngoại; còn có giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo nhằm ghi nhận các tác phẩm dự thi có tính sáng tạo mặc dù điều kiện nguồn lực ít hơn.

2.     Những điểm quan trọng để chương trình được giải:

- Tập trung vào tiêu chí đánh giá- chấm điểm của Ban giám khảo

- Chương trình dự thi nằm trong đúng hạng mục đăng ký

VD: Trong hạng mục thông tin giải trí lại có nhiều hạng mục khác nhau -> cần phân biệt rõ.

-         Lựa chọn một tác phẩm dự thi cần nghiên cứu xem tác phẩm này vì sao xứng đáng dự thi? (nêu ra 5-6 lý do: kỹ thuật âm thanh, nội dung, sự kiện nóng hổi, sự khác biệt với các tác phẩm khác, tính nhân bản, ưu việt của tác phẩm dự thi).

- Người làm tác phẩm đó là người đầu tiên, có tính phát hiện

- Viết kịch bản phù hợp với ngôn ngữ phát thanh, tính từ mạnh tạo xúc cảm và tưởng tượng

- Phương thức thể hiện đa chiều, tương tác với thính giả, dễ nghe. Cách dàn dựng chương trình, nội dung, âm thanh đều mới lạ, khác biệt so với trước đây. Tham vấn kỹ thuật viên về chất lượng âm thanh.

VD: Phóng sự về truờng học cần nổi bật tiếng đọc bài, phát biểu của học sinh, tiếng trống trường rộn rã…. thường là bản MP3 nguyên gốc. Chỉ chấp nhận tiếng động rất xấu, nhiễu khi đó là sự chân thực từ hiện trường. Kể cả tiếng cười to, tiếng hét, tiếng khóc, bạo loạn, gió mưa, đổ vỡ…. đều cho vào chương trình được, tùy theo nội dung phản ánh có chân thực, sống động hay không?

- Thời lượng ít nhất là 10 phút, nhiều nhất là 60 phút cho mọi thể loại dự thi (trừ tin tức chỉ từ 3 đến 10 phút).

- Tập trung vào điểm quan trọng nhất: những phút đầu tiên (thường là 1 phút đầu tiên) buộc thính giả chú ý, hấp dẫn, ấn tượng.

VD: Tác giả có thể mời một thính giả không chuyên vào phòng nghe, sau một phút đầu hỏi họ về cảm tưởng, có biết vấn đề chính nào đề cập trong tác phẩm hay không? Điều này nhằm mục đích nêu rõ được thông điệp cần chuyển tải trong tác phẩm rõ ràng, hiệu quả, gây ấn tượng mạnh với thính giả

- Phần giới thiệu tác phẩm không quá ngắn gọn, sơ sài, phải “chào mời” hấp dẫn, quảng bá cho chương trình phát thanh của mình, làm rõ tiêu chí giải thưởng của ABU.

3.  Ban giám khảo quan tâm điều gì?

- Lựa chọn câu chuyện hoặc vấn đề, đối tượng thính giả của chương trình phải rõ ràng.

- Lựa chọn cấu trúc, format chương trình

- Cách giải quyết câu chuyện/vấn đề (thể hiện được tính nguyên bản ý tưởng của chương trình/tác phẩm, khả năng dẫn dắt thính giả vào địa điểm nơi câu chuyện xảy ra)

- Tính trung thực, mô tả cụ thể xác thực những gì xảy ra

- Phong cách thể hiện đa dạng, linh hoạt, không nhất thiết phải theo  khuôn mẫu nào cho một chương trình nào (phù hợp với từng thể loại)

Kỹ thuật có chất lượng (chú ý chọn nhịp điệu của chương trình lặp đi lặp lại hay biến chuyển liên tục, tùy theo nội dung)

Sử dụng kỹ thuật hợp lý

VD: Không phải bài viết kinh tế mà chỉ sử dụng bài hát nói về tiền là được, quan trọng là âm thanh phục vụ lợi ích người nghe chứ không nói trực tiếp về vấn đề đề cập trong bài.

Sử dụng âm thanh

VD: Suy nghĩ xem sử dụng âm nhạc có ích khơi gợi như thế nào đối với thính giả? Âm thanh đổi cảnh (nhạc cắt, nhạc nghỉ) quan trọng ra sao?

- Không mang quá nhiều ý kiến chủ quan của phóng viên, biên tập viên vào chương trình, tự tác phẩm nói lên nội dung.

4. Một số đặc điểm lưu ý trong các thể loại tham gia dự thi:

Thể loại thông tin giải trí: sử dụng phổ biến ở rất nhiều các đài phát thanh. Cung cấp thông tin dưới hình thức giải trí. Sự tư vấn, hỗ trợ của chuyên gia + âm nhạc, talk- show, câu đố, thông tin…khiến thính giả thấy thu hút và mỉm cười.

VD: Lớp học đã nghe và nhận xét chương trình mô tả tục lệ Chomche Khatoon- tục cầu mưa của người Iran, thấy rằng: nhịp nói của người dẫn hòa vào nhịp điệu trống rất “nuột”, càng ít lời càng tốt. Ở trường hợp này, hiệu ứng âm thanh để cho thính giả tự tưởng tượng tốt hơn là người dẫn chương trình lôi kéo người nghe, hãy để cho mọi thứ tự thể hiện. Có thể lấy chính nội dung trả lời của người được phỏng vấn làm lời dẫn xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, nếu nội dung hay. Và một cuộc phỏng vấn hay, nội dung hay nhưng cách thể hiện không tốt thì cũng không thể làm nên một chương trình hay.

Tin phát thanh: tiêu chí quan trọng nhất là nóng bỏng, thời sự, có giá trị đối với người nghe. Giảng viên Neil Curry đã nêu ra các tiêu chí đài BBC áp dụng khi biên tập tin (rất phù hợp với tiêu chí chấm giải thể loại tin tức của ABU):

+ Sự thật và tính chính xác, trung thực nhất

Để đảm bảo, check ít nhất 2 nguồn khác nhau. Nguồn tin tưởng từ phóng viên thường trú, với quan điểm “thà rằng về nhì mà chính xác còn hơn là về nhất mà đưa tin sai” , tính chính xác quan trọng hơn tốc độ đưa tin. Cân nhắc giữa các nguồn tin để tìm đến sự thật duy nhất

+ Thu thập ý kiến của nhiều người

+ Tính độc lập, khách quan, không có chủ quan của người viết lấn át, vì bản tin phục vụ lợi ích cộng đồng, chứ không phải cá nhân

+ Tính công bằng, riêng tư, tránh gây tổn hại, mâu thuẫn

+ Đưa tin có trách nhiệm, nhận định chuyên nghiệp nhưng không theo một quan điểm duy nhất khi đưa những tin nhạy cảm về chính sách

+ Tư vấn chuyên nghiệp từ những người đáng tin cậy

+ Vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận vừa có trách nhiệm bảo mật. Đảm bảo tính “thật nhất có thể” nhưng vẫn chú ý những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em, đối xử bình đẳng, tôn trọng thính giả, gây dựng lòng tin với họ.

+ Đưa tin về những câu chuyện nổi bật, đi sâu vào trọng tâm, có sự phát ngôn của những chuyên gia đáng tin cậy, người đứng đầu cơ quan nhà nước, có diễn đàn cho dư luận cùng tranh luận.

+ Các bản tin được sàng lọc kỹ dựa trên kỹ thuật âm thanh và thứ ngôn ngữ rõ ràng chính xác nhất.

VD: Lớp học đã nghe một phóng sự điều tra về hiện tượng thanh thiếu niên tự tử ở Hồng Kông (dành cho thể loại tin tức). Cả chương trình là lời lẽ trong thư của một người bố, những tự sự khi đọc được blog (trang thông tin cá nhân trên mạng Internet) của con gái, sự hối hận khi không ngăn kịp cái chết của cô. Nội dung đề cập hiện tượng rất nóng bỏng trong xã hội Hồng Kông, được thể hiện dưới đầy đủ âm thanh sống động của tiếng đánh máy chữ, phóng viên đọc trên nền nhạc đầu và cuối tác phẩm, có lời nhân vật ở giữa (lời của ông bố, cha mẹ có con tự tử và cả những thanh thiếu niên có ý định tự tử), tiếng bàn phím vi tính, tiếng còi rú của xe cứu thương… nhạc nền và bài hát đều rất xúc động.

Thể loại tư liệu- chuyên đề:

+ Nói về một vấn đề rất chi tiết.

+ Đưa được vấn đề thực tế vào cuộc sống.

+ Bao gồm ít nhất 3 cuộc phỏng vấn trở lên, ý kiến đưa ra sắc sảo rõ ràng. Nếu cả chương trình chỉ có một cuộc phỏng vấn thì phải rất chuyên sâu và tư liệu thu thập, âm thanh tiếng động… phong phú.

+ Dùng nhiều hình thức, thể loại để dựng nên một chuyên đề duy nhất: phỏng vấn, tư liệu lịch sử, clip, phóng sự thực tế….Tiêu chuẩn kỹ thuật trong tư liệu chuyên đề đòi hỏi cao vì dùng rất nhiều yếu tố âm thanh.

VD: Thể loại tài liệu của đài quốc gia Tokyo sử dụng âm thanh nổi (khiến thính giả hình dung như trong rạp phim). Xuyên suốt các hội thoại nền lời bình rất thành công, có cảm giác như người dẫn chương trình tiếp cận từ xa, đứng ngoài nhìn vào câu chuyện, nhưng vẫn bám sát nhân vật chính. Chuyển cảnh hợp lý. Sử dụng âm thanh trung tính, hỗ trợ cho tác phẩm chứ không lạm dụng.

Thể loại kịch truyền thanh: quan trọng nhất yếu tố âm thanh. Qua nghe tác phẩm được giải ABU (câu chuyện về một nhà sư tìm được người sống sau đống đổ nát của trận động đất) thì thấy rằng với 60 phút, tác giả lồng ghép đủ các tiếng động phong phú (hiệu ứng dựng như ở ngoài hiện trường), mix âm thanh rất khéo: tiếng chuông chùa, cầu kinh, chim hót, tiếng đối thoại, tiếng máy bay, tiếng bàn chân đạp trên lá, tiếng ô tô phanh kít, tiếng nạn nhân kêu cứu, tiếng khóc, hét…người nghe có cảm giác nhìn thấy tận mắt như đang xem phim, diễn xuất của diễn viên rất chân thực.

Nói tóm lại, các tác phẩm đạt giải cao của ABU cũng dựa trên những tiêu chí khi xét giải báo chí thông thường: đánh giá cao ý tưởng, cách làm mới lạ, linh động trong cách thể hiện của mỗi thể loại, phù hợp với nội dung, đề tài đã chọn. Quan trọng hơn, sau mỗi buổi học, các học viên khẳng định thêm một điều lý thú: những vấn đề mới ngay ở xung quanh chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày. Những sự việc đơn giản ấy nếu được chia sẻ với nhau, thì ý tưởng sẽ không chỉ còn- là- ý- tưởng.

 

Tác Giả : Thu Hòa- phóng viên chương trình Biển đảo Việt Nam

Bài liên quan