Ảnh Internet/.
Học viện Báo chí Donald W. Reynolds, có trụ sở tại Đại học Missouri (Hoa Kỳ), vừa có một bài viết chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng âm thanh. Những chia sẻ này thực sự hữu ích vì phát thanh vẫn là phương tiện truyền thông thống trị ở phần lớn trên thế giới.
Năm 2021, nền tảng truyền thông có lượt tiếp cận hàng tuần cao nhất ở Hoa Kỳ là âm thanh. Dữ liệu được Nielsen công bố hồi đầu năm cho thấy radio tiếp cận 88% người trưởng thành ở Mỹ mỗi tuần, trong khi ứng dụng điện thoại thông minh là (85%) và TV (80%).
Người nghe không chỉ nghe phát thanh truyền thống. Nhờ sự phát triển của podcast và sự xuất hiện của âm thanh ở những nền tảng khác, như mạng xã hội, mà thời gian mọi người nghe phát thanh tiếp tục tăng. Điều này khuyến khích các tòa soạn lớn nhỏ đều quan tâm đến việc sử dụng âm thanh, phát thanh trong các chương trình của mình.
Dưới đây là 9 gợi ý khác nhau thuộc về 3 lĩnh vực chính, giúp các nhà báo và hãng tin sử dụng âm thanh hiệu quả hơn trong các chương trình của mình.
Khuyến khích người nghe tìm hiểu sâu hơn nội dung bên trong
Thực tế hiện nay cho thấy, các tòa soạn đều cần củng cố niềm tin trong công chúng. Do vậy các tòa soạn cần phải cởi mở, dễ tiếp cận và có trách nhiệm hơn. Phát thanh là một phương tiện đơn giản và hiệu quả, giúp tòa soạn thưc hiện mục tiêu này, giúp độc giả tin tưởng vào báo chí hơn.
1. Kể “Câu chuyện đằng sau câu chuyện”
Chia sẻ quy trình thực hiện nội dung, các tòa soạn minh bạch với công chúng về những sản phẩm báo chí họ làm và cách họ thực hiện. Có nhiều cách để giúp bạn thực hiện công việc này, âm thanh là một cách tốt. Bạn có thể dùng những file âm thanh để đưa tiếng nói của nhà báo hay của nhân vật vào câu chuyện, giúp cho câu chuyện trở nên rõ ràng và minh bạch hơn, đặc biệt với những phóng sự điều tra. Ví dụ như trang podcast “The Tip off”, là một dạng podcast giúp thính giả biết được hậu trường của một số tác phẩm báo chí điều tra hay nhất trong những năm gần đây. Mỗi tập podcast đào sâu vào một vụ điều tra –thính giả sẽ được nghe các nhà báo kể về quá trình tác nghiệp, nội dung chính và phần kết của tác phẩm của họ. Đó là những cuộc rượt đuổi bằng ô tô, câu chuyện từ phòng giam kẻ khủng bố, những cuộc gặp gỡ trong quán bar hay quán cà phê ẩm thấp và kín đáo.vv… Đây là dạng podcast thích hợp cho những thính giả tò mò về công việc của hoạt động báo chí điều tra.
Ngoài ra, xin nhắc lại một trong những lợi thế của âm thanh đó là cho phép thính giả nghe thông tin chi tiết trong khi vẫn đang làm việc khác.
2. Cung cấp bản xem trước
Nội dung tờ báo tuần này có gì? Giới thiệu bằng âm thanh. Đó là cách tiếp cận mà Cottage Grove Sentinel (Oregon) đã áp dụng vào năm 2019 khi ra mắt podcast hàng tuần. Với tư cách là biên tập viên của trang này vào thời điểm đó, Caitlyn May giải thích: “Chúng tôi nói về cách chúng tôi tìm ra câu chuyện, các cuộc phỏng vấn chúng tôi đã thực hiện và tại sao điều đó được đưa vào chương trình.”
Mỗi podcast kéo dài khoảng 5-10 phút. Mọi người có thể nghe khi đang di chuyển hoặc trong lúc nghỉ giải lao.”
Tờ Herald and News có trụ sở tại Klamath Falls (bang Oregon) đã thử nghiệm một chương trình tương tự. Họ thực hiện các podcast ngắn từ 2-3 phút có tên “Tomorrow’s Headlines Today”, cung cấp vắn tắt nội dung các câu chuyện trong tờ báo phát hành ngày hôm sau.
* Cottage Grove Sentinel là một tờ báo hàng tuần phục vụ thành phố Cottage Grove, Oregon, Hoa Kỳ; thành lập vào năm 1889 và thuộc sở hữu của News Media Corporation.
Cho phép độc giả tìm hiểu sâu hơn
3. Sử dụng lối kể chuyện dạng “Long form”
Theo một khảo sát gần đây của Viện Reuters, “Các podcast tin tức hàng ngày chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số những podcast được sản xuất nhưng chiếm hơn 10% tổng số lượt tải xuống ở Mỹ và 9% ở Pháp và Úc.” Podcast cũng đang được các nhà xuất bản sử dụng để cung cấp thông tin hàng ngày nhiều hơn so với các chương trình tin tức số hay báo in.
Đó là những câu chuyện dài, nhiều tập. Một ví dụ đó là podcast của Tạp chí Hiến pháp Atlanta, hiện đang ở mùa thứ 8. Mỗi mùa đi sâu vào một chủ đề nhất định. Loạt podcast hiện tại kể về trường hợp của một người đàn ông da đen có tên là Ahmaud Arbery, 25 tuổi; bị bắn chết vào năm ngoái khi đang chạy bộ.
Trong khi đó, tại Australia, postcast “Phoebe’s Fall” đạt giải vàng tại Liên hoan Phát thanh New York 2017. Đây là loạt podcast điều tra về việc Phoebe Handsjuk, 24 tuổi, được tìm thấy đã chết dưới máng rác trong một khu chung cư sang trọng ở Melbourne. Trong vòng một năm, các podcast về nhân vật này đã được hơn 1,2 triệu lượt tải xuống.
Richard Baker, nhà báo điều tra cấp cao của tờ The Age có trụ sở tại Melbourne, nói, “Chúng ta có thể ó một bài báo dài tới 4.000 từ, nhưng tôi không nghĩ rằng bài báo đó có thể diễn tả được tất cả mọi thứ.” Vì thế, các podcast nhiều tập về nội dung ấy là gợi ý hay.
4. Cung cấp nội dung độc quyền
Podcast có thể là một phương tiện tuyệt vời để thúc đẩy tương tác và tăng nhận thức về thương hiệu. Nó có thể được coi như cánh cổng dẫn đến mối quan hệ bền vững hơn giữa thính giả với chương trình và cũng là một cách để phục vụ thính giả tận tâm nhất.
Nhận thức được điều này, The Washington Post cung cấp nội dung âm thanh chỉ dành cho người đăng ký (và trả phí). Hay “Slate” là một ví dụ khác. Tờ báo đã cung cấp các tập bổ sung và nội dung mở rộng (cũng như trải nghiệm nghe không có quảng cáo) cho các thành viên Slate Plus thông qua loạt podcast đình đám “Slow Burn”.
* Slow Burn là một podcast tường thuật do Slate Plus sản xuất. Leon Neyfakh tổ chức sản xuất hai mùa đầu tiên và Joel Anderson dẫn chương trình mùa thứ ba, phát hành vào năm 2019.
5. Sử dụng tốt kho âm thanh đã lưu trữ, loại nội dung không dễ bị cũ
Những câu chuyện của Slow Burn thường mang âm hưởng hiện đại. Mặc dù những câu chuyện có nội dung kể về những điều đã xảy ra, thuộc về quá khứ nhưng chúng có thể trở nên sống động, mới nguyên nhờ vào việc sử dụng âm thanh và các phương tiện khác.
Ứng dụng trả phí Audmn có hơn 3.000 câu chuyện trong kho lưu trữ, được lấy từ các đài phát thanh, các chương trình phát thanh như Rolling Stone và The New Yorker...; hay các trang web của khu vực như The Texas Observer và The Bitter Southerner. Những chương trình phát thanh chuyên nghiệp này bao gồm cả những câu chuyện mới và cũ, là những câu chuyện hay, tác động rất lớn đến người nghe.
6. Sử dụng dịch vụ chuyển văn bản thành giọng nói
Không phải ai cũng có đủ khả năng để sử dụng dịch vụ hoàn hảo, đã dành giải thưởng như Audmn. Tuy nhiên, dịch vụ chuyển văn bản thành giọng nói như Polly, Play.ht hoặc ReadSpeaker của Amazon đáng để cho các nhà báo thử nghiệm, đặc biệt là giọng đọc được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng biểu cảm tốt hơn, giống như do con người thực hiện hơn và ít “tính người máy” hơn.
Dịch vụ này là thực sự cần thiết cho những người khiếm thị và những người đang di chuyển trên đường muốn nghe nội dung của câu chuyện vì họ không thể đọc được. (Ở Việt Nam, hiện dịch vụ này cũng đang trở nên rất phổ biến, do nhiều công ty phần mềm khác nhau cung cấp và được nhiều tờ báo ứng dụng).
* Polly, Play.ht và ReadSpeaker là dịch vụ Text-to-Speech (TTS) chuyển văn bản thành lời nói sử dụng công nghệ deep learning tiên tiến để tổng hợp thành lời nói tự nhiên của con người.
Tiếp cận đối tượng trong không gian mới
7. Chia sẻ đoạn âm thanh trên mạng xã hội
Một thách thức lâu nay đối với âm thanh đó là tính lan tỏa của nó thấp hơn so với video và trong lịch sử, nó cũng khó chia sẻ trên mạng xã hội hơn.
Tuy nhiên, các công cụ như Headliner đã giúp giải quyết vấn đề này. Những công cụ này tạo ra các đoạn âm thanh hấp dẫn trực quan để đăng trên các nền tảng như Twitter và Instagram. Chúng có thể được coi như một bản xem trước, quảng bá cho các cuộc phỏng vấn hấp dẫn và các chương trình lớn (không thuộc thể loại phát thanh).
Một nhà cung cấp khác, Audiogram, lưu ý rằng hơn 85% video trên mạng xã hội được sử dụng mà không có thuyết minh, chỉ có phụ đề được dịch tự động.
Cả hai ứng dụng Headliner và Audiogram đều cung cấp các phiên bản miễn phí cho các tòa soạn và nhà báo muốn thử mà sẽ không quá tốn thời gian, cũng không gặp khó khăn về mặt kỹ thuật.
Sử dụng các công cụ này, bạn sẽ dễ dàng tạo video để quảng cáo podcast, các chương trình đặc biệt hoặc blog của bạn. Chia sẻ lên Instagram, Facebook, Twitter, YouTube, Linkedin và bất kỳ nơi nào có video trực tuyến để thu hút thêm người quan tâm.
8. Theo dõi xu hướng loa thông minh (smart speaker)
Loa thông minh - được hỗ trợ thiết bị giọng nói kỹ thuật số như Google Home, Siri và Alexa - là một sáng tạo gần đây. Có thời điểm nó được coi là công nghệ tiêu dùng phát triển nhanh nhất kể từ khi có điện thoại thông minh.
Ảnh Internet/.
Nghiên cứu đã cho thấy mức tiêu thụ tin tức ở loa thông minh luôn ở mức thấp so với nghe nhạc, nghe thông tin chức năng (ví dụ: thời tiết, chỉ dẫn giao thông, v.v.) và các thói quen nghe âm thanh truyền thống khác (bao gồm cả nghe podcast).
Định dạng đột phá cho phương tiện mới này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đột phá sẽ không sớm xuất hiện và bạn cần luôn để ý theo dõi xu hướng của công nghệ này.
9. Sẵn sàng cho các dịch vụ âm thanh trên mạng xã hội
Cuối cùng, các dịch vụ âm thanh cho mạng xã hội cũng đã xuất hiện, điển hình là ứng dụng của Thung lũng Silicon, Clubhouse. Trong vài tháng qua, Facebook cũng đã công bố một số dịch vụ âm thanh. Twitter và một loạt các công ty khởi nghiệp khác cũng đang đổ xô vào lĩnh vực này.
Trong bài dự đoán “Tương lai của truyền thông xã hội là trò chuyện” của WIRED vào cuối năm ngoái, nhà báo Arielle Pardes nhận xét rằng “việc tích hợp tất cả nội dung đang nghe vào cuộc sống hàng ngày trở nên dễ dàng hơn nhờ sự phổ biến của loa thông minh, tai nghe, tai nghe bluetooth, và các thiết bị âm thanh khác”.
Tất nhiên, quan điểm này được áp dụng cho không chỉ mạng xã hội mà còn cho cả các toà soạn muốn sử dụng âm thanh. Nhờ các phương tiện kỹ thuật số, âm thanh có một cuộc sống mới. Tiềm năng đó sẽ còn tiếp tục được khám phá trong tương lai gần.
* Clubhouse là một ứng dụng âm thanh xã hội dành cho iOS và Android, nơi người dùng có thể giao tiếp trong các phòng trò chuyện có sức chứa hàng nghìn người. Đây là một loại mạng xã hội mới dựa trên giọng nói và mọi người trên khắp thế giới cùng nhau trò chuyện, lắng nghe và học hỏi lẫn nhau.
* Wired là một tạp chí hàng tháng của Mỹ, được xuất bản dưới dạng ấn bản in và trực tuyến, tập trung vào cách các công nghệ mới nổi ảnh hưởng đến văn hóa, kinh tế và chính trị.
Tạp chí thuộc sở hữu của Condé Nast, công ty có trụ sở chính tại San Francisco, California và được xuất bản từ tháng 3 / tháng 4 năm 1993.
Trên đây là 9 gợi ý giúp cho các nhà báo và các tòa soạn sử dụng âm thanh hiệu quả hơn cho các chương trình của mình.
Ban HTQT/ Dịch