Chào mừng đến với cổng thông tin điện tử Trung tâm đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông
Cập nhật :11:5 4/3/2022

VOVTC - Ông Jorge Alvarez cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự nở rộ của các kênh phát thanh, trong đó có cả các kênh phát thanh không truyền thống. Khái niệm đài phát thanh trở nên đơn giản hơn và vì vậy, thông tin qua các kênh phát cũng đa dạng, nở rộ hơn.

“Kể từ khi ra đời, phát thanh được biết đến là phương tiện giao tiếp xã hội hữu dụng nhất cho loài người”. Từ niềm tin này, ông Jorge Alvarez, Chủ tịch Học viện Radio Tây Ban Nha, đã khởi xướng đề xuất UNESCO công bố ngày Phát thanh thế giới, ngày hội của những người làm phát thanh. Nhân ngày Phát thanh thế giới năm nay 13/2, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn “cha đẻ” của ngày Phát thanh thế giới.

PV: Là một trong những người khởi xướng đề xuất công nhận ngày Phát thanh thế giới 13/2, ông nghĩ gì về những thách thức với phát thanh nói chung trong thời đại ngày nay?

Ông Jorge Alvarez: Có thể nói, kể từ khi ra đời, phát thanh được biết đến là phương tiện giao tiếp xã hội hữu dụng nhất cho loài người. Ngày nay, phát thanh đang chứng kiến cuộc cách mạng kỹ thuật mới. Nhờ việc phát sóng qua internet và streaming, chi phí để tạo ra đài phát thanh phục vụ sứ mệnh phủ sóng rộng khắp giảm đi đáng kể. Nhờ điện thoại di động và điện thoại thông minh, mọi người giờ có thể dễ dàng nghe các chương trình phát thanh của các đài phát thanh ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là phải khiến các đài phát thanh có lợi nhuận để các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên…có mức lương đủ để họ chú tâm tạo ra các chương trình với nội dung chuyên nghiệp phục vụ thính giả.

 

PV: Như ông có nói, nhờ phát triển của khoa học công nghệ, các đài phát thanh dù lớn hay nhỏ đều có khả năng tiếp cận thính giả dễ dàng qua internet và các phương thức khác. Và có thể nói, kể từ khi ra đời, ngày Phát thanh thế giới đã dần trở thành ngày hội của những người làm phát thanh. Năm nay  đánh dấu năm thứ 11 tổ chức ngày Phát thanh thế giới, ông có suy nghĩ gì về sự phối hợp của những người làm phát thanh, các đài phát thanh, các tổ chức từ các nước trên thế giới?

 

Ông Jorge Alvarez: Sự ra đời của Uỷ ban ngày Phát thanh thế giới, một ý tưởng được đề xuất bởi Học viện Phát thanh Tây Ban Nha, dưới sự bảo trợ của UNESCO, đã thúc đẩy sự hợp tác rất tích cực giữa những người làm phát thanh của các nước thành viên. Uỷ ban này, tập hợp các Hiệp hội phát thanh từ 5 châu lục. Mỗi năm, uỷ ban đều họp tại UNESCO để đề xuất ý tưởng tổ chức ngày Phát thanh thế giới. Năm 2022, uỷ ban quyết định chọn chủ đề “Phát thanh và sự tin cậy” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của phát thanh trong việc tạo sự tin cậy cho người dân trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với vấn nạn tin giả.

PV: Là người khởi xướng đề xuất ngày Phát thanh thế giới, ông có thể chia sẻ những chuyện mà ít người biết về ngày Phát thanh thế giới 13/2?

Ông Jorge Alvarez: Có lẽ, chuyện thú vị nhất là việc lựa chọn ngày để tổ chức ngày Phát thanh thế giới. Đó là câu chuyện tại cuộc họp Hội đồng của UNESCO năm 2011. Cuộc họp có sự góp mặt của 157 quốc gia tham gia góp ý trong nhiều giờ để lựa chọn ngày tổ chức ngày Phát thanh thế giới. Những cuộc tranh luận dài nổ ra về quyết định chọn 1 ngày cụ thể để tổ chức. Nga, Italia và Đức tranh luận lựa chọn ngày có liên quan đến quốc gia họ trong việc phát minh ra radio. Cuối cùng, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đề xuất ngày trung lập, 13/2/1946 là ngày ra đời Đài Phát thanh Liên hợp quốc.

PV: Cùng với đại dịch Covid-19, vấn nạn tin giả cũng gia tăng tại các nước, tạo ra nhiều thách thức cho các chính phủ. Tình huống này cho thấy, tầm quan trọng của thông tin tin cậy từ các nhà báo của các đài phát thanh. Theo ông, nhà báo phát thanh, các đài phát thanh ngày nay cần làm gì để có được sự tin cậy của thính giả?

Ông Jorge Alvarez: Thật ra, tin giả còn xuất hiện ở cả việc tổ chức các ngày kỷ niệm. Không ít báo chí đưa tin về các ngày kỷ niệm giả làm ảnh hưởng sự tin cậy của các ngày kỷ niệm do UNESCO công bố. Chính việc lan truyền các ngày kỷ niệm giả đó khiến người dân bị hoang mang, không biết đâu là thật, đâu là giả.

Thật tuyệt khi chứng kiến sự nở rộ của các kênh phát thanh, trong đó có cả các kênh phát thanh không truyền thống cần sự cấp phép của chính phủ. Chúng ta cần cảm ơn sự ra đời của các đài phát thanh trực tuyến, với chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với các mô hình đài phát thanh truyền thống qua sóng Hertz. Rõ ràng, khái niệm đài phát thanh trở nên đơn giản hơn và vì vậy, thông tin qua các kênh phát thanh cũng đa dạng, nở rộ hơn. Đây là điều kiện cần thiết để phát thanh tiếp cận và chiếm sự tin cậy của thính giả.

PV: Cảm ơn ông. Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến ông nhân ngày Phát thanh thế giới./.

 

Bài liên quan