Đọc sao cho người nghe thích
Làm việc cùng NSND Tuyết Mai gần 20 năm, tôi vẫn không hiểu nổi người đàn bà phúc hậu, luôn vui vẻ, lịch thiệp như thế đã phải chèo chống tài giỏi cỡ nào để giữ trong ấm ngoài êm, để một gia đình ba người cùng làm nghệ thuật, sống thanh bần mà đầy ắp tiếng cười. Nói chất người xứ đảo Cát Bà quê hương luyện nên bản lĩnh cho Tuyết Mai có lẽ chưa đủ. Phải cộng thêm phẩm chất rèn luyện không ngưng nghỉ. Ngồi chờ đọc, bà tranh thủ đan áo cho chồng con, mắt chăm chú xem trang truyện sắp đọc, tai vẫn nghe cánh Kim Cúc, Hoàng Yến chọc ghẹo nhau, bất chợt lại pha thêm câu mắng yêu “khỉ ạ”. Thế nhưng vào phòng thu, chờ đèn báo sáng “mời đọc”, thể nào cũng lắc đầu vài cái. “Chị Thái”, “u Thái” bình dân, hòa đồng ban nãy bỗng khác hẳn. Thành kính như một nữ tu. Cái lắc đầu kia như gọi các con chữ về mà ru nựng và mấy dòng chữ vừa khẽ khàng vang lên đã thấy mình lắc lư say cái giọng điệu êm đềm ấy.
Quá tuổi nghỉ hưu nhưng do yêu cầu công việc, bà vui vẻ nán lại thêm vài năm đọc cùng chúng tôi. Cuối những năm 80 thiếu thốn, khó khăn mọi nhẽ, xoay sở mãi chỉ đủ lo bữa tiệc tiễn nho nhỏ. Mà vẫn cười giòn tan: “Khỉ ạ! Thế là cậu trưởng phòng chu đáo lắm rồi. Sau này đừng quên chị đấy”.
Nhớ dịp đem tặng chị bài viết “Tuyết Mai ơi, ngày ấy đâu rồi” đăng báo “Văn nghệ trẻ”, bà vừa xem cái tít đã cười, bảo “Mi vẫn nhớ ta là tốt rồi.” Năm sau đưa Hải Yến và Phương Hằng, 2 học trò cũ đã thành danh, đến thăm gia đình bà, hỏi thăm sức khỏe, bà trả lời bằng hát câu ngày xưa hai chị em thường hát “Biệt ly, nhớ nhung từ đây…”. Hèn chi thuở xưa với khúc hát “Thiên thai”, chất giọng này làm mê đắm không biết bao người. Chưa nghe hết câu đùa, bà đã cười to: “Mi chỉ khéo tưởng tượng, chả có ai mê đâu, mỗi cái lão già đẹp trai đang tủm tỉm ngồi kia thôi”. NSƯT Phan Phúc lại tủm tỉm cười.
|
Đoàn phát thanh viên VOV thăm gia đình NSND Tuyết Mai chiều 23/5/2017. (Ảnh: T.Tuấn) |
Lúc nhận lời mời của VOVTV cung cấp tư liệu, hình ảnh làm phim về NSND Tuyết Mai, cuối buổi ghi hình, hỏi câu kết trước khi đóng máy: “Chị Tuyết Mai ơi, sao cả đời nghề, lúc nào chị đọc cũng hay như thế?”. Bà PTV gạo cội lúc đó đã 87 tuổi, nói đơn giản đến lạ lùng: “Mình đọc trên đài là đọc cho bạn mình nghe, cho dân mình nghe thì phải đọc sao cho họ thích chứ”. Đèn máy quay tắt, biên kịch kiêm tác giả Bích Nhung xuýt xoa khuôn hình đẹp mà tôi chưa hết bàng hoàng. Vì cũng tháng ấy, được Đài in cuốn giáo trình “Nghệ thuật đọc - dẫn phát thanh - truyền hình”, nội dung mới và viết công phu hơn các tập trước nhưng nghe câu nói hồn nhiên của bà chợt ngộ ra bao nhiêu bài giảng, vài trăm trang giáo trình theo mình đi xuyên Việt truyền nghề cho đồng nghiệp các đài PT-TH địa phương, hóa ra còn thiếu câu tuyên ngôn nổi tiếng đó.
Tuổi già như chiếc lá
Năm 2017 sức khỏe của NSND Tuyết Mại sút giảm. Hỏi giờ xưng hô “chị, em” còn được không thì chậm rãi bảo: “Cậu xấp xỉ 80 rồi, chả nhẽ gọi chị là cụ ư”. Lại cười nhưng tiếng chẳng như xưa. Đưa PTV Minh Nguyệt và Sơn Tùng là tay nghề trẻ nhất đến thăm thần tượng mà thấy lo. Chăn cuốn ngang người, mặt phù mọng nước, đôi mắt khép hờ, miệng mím chặt. Gọi thế nào cũng không nhúc nhích. Ông chồng Phan Phúc vẫn dáng điệu nho nhã, kể: “Bà nhà tôi suốt mấy tháng nay chẳng nói năng gì. Tất cả đều tại chỗ, bố con tôi thay nhau phục vụ. Đến bữa thì cháu Tuyết Minh nhai cơm, mớm cho”.
Cuối tháng 5/2017, trời sớm nắng chiều mưa. Vội đưa Phượng Minh, Hùng Sơn, Trưởng và Phó Phòng cùng các PTV đến thăm gia đình NSND Tuyết Mai. Thật may. Có lẽ vì yêu các đồng nghiệp hàng con cháu, lại như được lớp trẻ tiếp sức, bà lão chịu cho đỡ dậy và gắng gượng ngồi tựa thành ghế. Tấm lưng đã còng lắm nhưng muốn vui lòng đám trẻ, thỉnh thoảng lại gật đầu ra vẻ hiểu câu chuyện. Hải Yến bắt chước đọc câu “Mời các bạn nghe buổi đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN” đến 2, 3 lần, bà chỉ tay ra hiệu tạm được. Phượng Minh nắm chặt bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, nói: “Năm nay bà mới 92 tuổi, chúng cháu tin bà sẽ vượt mốc tuổi 100 đấy ạ”. Bà nghệ sĩ già lặng im, người lả dần.
NSƯT Phan Phúc ra tiễn vẫn ngần ngại “Nhà chật quá chẳng đủ chỗ. Anh và các cháu thông cảm nhé.” Tiếng họa mi ban nãy hót ngập ngừng giờ tắt hẳn, trả lại sự vắng lặng cho ngôi nhà cổ số 5 đầu đường Trần Phú, ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm.
Vài chục năm trước, những trưởng lão cỡ Tuyết Mai như các NSƯT Lan Hương, Nguyễn Thơ, Minh Đạo, NSND Việt Khoa và PTV tiếng Anh lừng danh Trịnh Thị Ngọ tháng nào chả cùng chúng tôi đến đây nhận suất thực phẩm bồi dưỡng thanh sắc.
Giờ các cụ đã về nơi chung cuộc. Bỗng thấy thưa vắng quá./.
NSƯT Hà Phương/VOV