Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), phóng viên Báo Điện tử VOV đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi Hội nhà báo đài TNVN (VOV) Phạm Mạnh Hùng về các vấn đề như: Xu hướng phát triển trong chuyên môn của VOV thời gian qua; Vấn đề chuyển đổi số; Phát triển kinh tế báo chí:
PV: Thưa ông, trong những năm vừa, VOV đạt được rất nhiều giải thưởng cao khi tham dự các giải thưởng lớn như Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, giải Búa liềm vàng, ABU, giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV được các đồng nghiệp đánh giá cao… Xin ông cho biết bức tranh tổng thể về sự phát triển trong chuyên môn của VOV thời gian qua?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Phát huy truyền thống là một cơ quan báo chí chủ lực, hiện nay VOV đã phát triển thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, có đội ngũ phóng viên, biên tập viên đông đảo, hoạt động khắp các vùng miền và ở nhiều khu vực trên thế giới. Các vấn đề VOV nêu đều gần gũi với đời sống.
Thời gian qua, lãnh đạo Đài, Liên chi hội Nhà báo VOV quan tâm, đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới nội dung. Kết quả của việc đầu tư này được thể hiện trên tất cả các phương tiện, loại hình như: phát thanh, truyền hình, 2 tờ báo điện tử và báo in của Đài.
Trong các cuộc thi báo chí quốc tế và quốc gia, VOV luôn là một trong những cơ quan báo chí đoạt được nhiều giải thưởng, không chỉ ở một loại hình mà ở nhiều loại hình khác nhau. Với giải Diên Hồng mới đây, phát thanh được Giải Nhất, Báo điện tử VOV và Đài Truyền hình VTC được Giải Nhì, VTCnews giải ba. Điều đó cho thấy, chiến lược đầu tư của Nhà nước xây dựng VOV trở thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa loại hình, chuyên nghiệp, hiện đại là rất đúng đắn. Điều này cũng cho thấy, sự quan tâm của đồng chí Tổng Giám đốc VOV, của lãnh đạo Đài đến chuyên môn, nghiệp vụ.
Không chỉ gặt hái nhiều giải thưởng ở “sân chơi” trong nước mà ở quốc tế, mấy năm trở lại đây, VOV cũng có nhiều giải báo chí danh giá.
Nhóm tác giả của VOV đoạt giải ABU năm 2022.
Năm 2022 có một tin vui là sản phẩm báo chí số của Báo Điện tử VOV đã được Giải Nhất về truyền thông số của ABU (giải thưởng của Hiệp hội phát thanh truyền hình châu Á Thái Bình Dương, đó là một tổ hợp của 270 đài của 70 quốc gia và vùng lãnh thổ). Những tín hiệu rất tích cực này cho thấy đội ngũ phóng viên của VOV không chỉ phát triển và khẳng định vai trò, vị thế, uy tín là cơ quan báo chí quốc gia có bề dày truyền thống mà chúng ta không thua kém đồng nghiệp báo chí quốc tế. VOV đã cập nhật rất nhanh xu hướng và nắm bắt được xu hướng đó.
Các tác giả, nhóm tác giả của VOV được trao giải Diên Hồng.
PV:Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu trong Hội nghị giao ban quý 1 và nhấn mạnh rằng, năm 2023 là năm đưa báo chí, xuất bản lên nền tảng số. Trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, VOV đã áp dụng việc chuyển đổi số như thế nào? Tham vọng theo đuổi con đường báo chí số ở VOV có những thuận lợi, khó khăn, thách thức như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, còn chuyển đổi số là xu hướng đã diễn ra trước đó rất lâu, trở thành một xu hướng tất yếu, cả xã hội đang tập trung vào chuyển đổi số, trong đó có báo chí. VOV không đứng ngoài xu hướng này vì hiện nay, công chúng đã di chuyển đến môi trường số rồi. Ở đâu có thiết bị thông minh cầm tay hoặc các phương tiện di chuyển thông minh thì ở đó có công chúng số, họ tìm nội dung số, tiếp cận thông tin một cách chủ động chứ không bị động như cách tiếp cận thông tin trên những nền tảng truyền phát truyền thống mà các cơ quan phát thanh, truyền hình vẫn đang sử dụng.
Cho nên nhu cầu chuyển sang môi trường số là nhu cầu tất yếu của các cơ quan báo chí, trong đó có VOV. Môi trường số và không gian số cho phép chúng ta sản xuất những sản phẩm báo chí mà trước đây chúng ta không làm được.
Câu chuyện VOV đoạt giải ABU là một ví dụ. Chúng ta đã tích hợp cả phát thanh, truyền hình, đồ họa, cả hình ảnh, ngôn ngữ viết, cả kỹ thuật về thiết kế để tạo ra một sản phẩm báo chí rất sống động. Môi trường số và những sản phẩm báo chí số ấy sẽ giúp phân biệt những cơ quan báo chí chuyên nghiệp với những người sản xuất nội dung không chuyên. Nhiều đơn vị của VOV đã chủ động nắm bắt được xu thế này và phân phối được nhiều nội dung trên nền tảng số.
Ở VOV, ngoài 2 tờ báo điện tử có lượng truy cập được cải thiện rất nhanh, thứ hạng khá cao và nguồn thông tin uy tín, phong phú, đa dạng với công chúng thì Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC có nền tảng VTC Now cũng là nền tảng số phát triển rất mạnh để phân phối nội dung truyền hình. Bên phát thanh thì có VOV Media, VOV Live… và một số nền tảng khác nữa để đưa những nội dung phát thanh lên phục vụ nhu cầu nghe của công chúng và phát trực tuyến các kênh phát thanh lên đó.
Chúng ta đã giải quyết được vấn đề về nhận thức của đội ngũ quản lý cũng như phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, thấy được nhu cầu chuyển đổi số là bắt buộc và đang bắt tay vào làm. Cái khó thứ hai là khó về nhân sự, về nhân lực kỹ thuật, công nghệ, VOV đang thiếu đội ngũ thiết kế đồ họa, đội ngũ viết phần mềm, quản tri hệ thống….
Điều này bất kỳ cơ quan báo chí nào cũng gặp khó, bởi thu hút đội ngũ này đòi hỏi chế độ đãi ngộ cao, cho nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách, về đầu tư cũng như sự hợp tác của các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin, hỗ trợ báo chí, trong đó có VOV.
Một vấn đề nữa là đầu tư về nguồn lực. Chúng ta được Nhà nước đầu tư phát triển hệ thống nhưng vẫn chưa đủ so với nhu cầu của Đài, vốn là đài phát thanh truyền thống. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật sau nhiều năm cũng có những hạn chế và cần đầu tư hiện đại hoá, nhất là đầu tư cho phát triển chuyển đổi số. Nếu được quan tâm thì VOV sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn, tối ưu hóa nội dung của mình. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là hướng đi, nếu giải quyết được thì sẽ giúp VOV tiến bộ, bứt phá trong quá trình chuyển đổi số.
PV: Nhiều thay đổi, phát triển về công nghệ, ví dụ như thế hệ AI ra đời hay mới nhất là sự lan tỏa của Chat GPT… đang là thách thức với những người làm báo trong kỷ nguyên số. VOV đã có định hướng như thế nào đối với việc này, thưa ông?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Tôi nghĩ, việc bùng nổ nhiều công nghệ thông minh, trong đó có chat GPT đã tạo ra bàn luận không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà trên toàn thế giới. Gần đây, nhiều người được cho là gạo cội của ngành công nghệ thế giới đã đề nghị phải làm chậm quá trình đó lại. Nếu chúng ta thiết kế được cơ chế kiểm soát những mặt trái của AI, của chat GPT thì chúng ta mới phát triển tiếp. Đây là một cảnh báo buộc chúng ta phải suy nghĩ, bởi với tiến bộ khoa học và công nghệ, nếu phát triển quá nhanh, chúng ta sẽ không hình dung được hết những tác động của nó thì có thể sẽ tạo ra những mặt trái nhiều hơn mặt tích cực.
Tuy nhiên, chúng ta không thể quay lưng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, chúng ta phải ý thức được những tác động tiêu cực, nhưng đồng thời phải tận dụng được những mặt tích cực của nó. Chat GPT có khả năng tổng hợp, xử lý thông tin ở mức độ càng ngày càng tốt hơn, cũng có thể hỗ trợ người làm báo trong việc tổng hợp, phân tích thông tin. Nếu chúng ta phát triển quá nhanh có thể sẽ đe dọa đến rất nhiều ngành, trong đó có báo chí. Đây là câu chuyện lớn, cần thận trọng tìm hiểu để có đối sách, biện pháp phù hợp.
Chúng ta phải chủ động đón nhận và thích nghi với công nghệ, nắm được mặt tích cực, tiêu cực để hạn chế phòng ngừa, không chỉ ở các cơ quan báo chí mà đây còn là vấn đề về quản lý nhà nước, luật pháp và quản trị.
Phải làm sao để những tiến bộ của khoa học công nghệ phải phục vụ sự tiến bộ và phát triển của xã hội, phục vụ xây dựng xã hội tiên tiến, nhân văn.
Rất nhiều người được coi là hàng đầu về khoa học công nghệ của thế giới đã lên tiếng, phải có những bộ quy tắc, quy định quản lý làm sao để tiến bộ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo phục vụ con người chứ không phải rơi vào thế lực xấu, từ đó tạo ra những hệ lụy vô cùng khủng khiếp mà chúng ta không lường trước được cho xã hội loài người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
PV:Trong giai đoạn hiện nay, vừa phải thực hiện “kinh tế báo chí” lại vừa phải thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền chính thống, vừa phải đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng độc giả, làm thế nào để VOV cân bằng được các mục tiêu này, thưa ông?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Để giúp VOV cũng như các cơ quan báo chí chủ lực, báo chí nói chung phát triển thì cần phải làm rất nhiều việc. Trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng với Hội Nhà báo Việt Nam mới đây,Thủ tướng đã nghe các lãnh đạo, các nhà quản lý báo chí phản ánh những khó khăn, thách thức của báo chí hiện nay. Báo chí đang rất khó khăn, thách thức lớn nhất là khủng hoảng về nguồn thu, vì quảng cáo đã chuyển sang nền tảng xuyên biên giới hoặc trực tuyến. Quảng cáo trực tiếp trên báo chí đã giảm đi rất nhiều.
Cùng với đó, khó khăn của các doanh nghiệp trên thế giới cũng tác động đến Việt Nam nói chung và hoạt động kinh tế báo chí của cơ quan báo chí nói riêng. Chúng ta phải hiểu là làm kinh tế báo chí để báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, có nguồn thu để phục vụ nhiệm vụ chính trị của mình chứ không phải làm kinh tế báo chí để làm giàu, nhận thức đó không đúng.
Để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng nhất là Nhà nước phải có những biện pháp đảm bảo giúp báo chí hoạt động bình thường. Nghĩa là thông qua cơ chế giao nhiệm vụ cấp ngân sách, thông qua cơ chế đặt hàng trong báo chí, sửa kịp thời những bất cập trong quy định của pháp luật, giúp các cơ quan báo chí phát triển một cách bình thường, lành mạnh.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất rõ, trong năm nay phải sửa Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có báo chí. Thứ hai là các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in cần sớm chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.
Theo quan điểm của tôi, nếu một cơ quan báo chí,được Nhà nước hỗ trợ, đảm bảo được khoảng 70% nhu cầu hoạt động và 30% còn lại nỗ lực làm kinh tế báo chí để phục vụ nhiệm vụ chính trị của mình thì sẽ bớt khó khăn, yên tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Để làm được như vậy cần có sự quyết tâm, chỉnh sửa điểm chưa phù hợp của chính sách pháp luật.
Bên cạnh sự giúp đỡ quan tâm của Đảng, Nhà nước thì cũng phải tự tối ưu hóa bản thân, rà soát và khắc phục những bất cập trong quản trị nội bộ, tối ưu hóa nguồn lực, đầu tư vào những nội dung quan trọng để những sản phẩm báo chí được công chúng đón nhận, yêu mến. Một cơ quan báo chí phải có công chúng. Công chúng chính là thước đo thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí, từ công chúng thì những vấn đề, những câu chuyện về kinh doanh, câu chuyện về làm kinh tế báo chí sẽ được thực hiện thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chúng ta vẫn đồng hành cùng khó khăn của đất nước. Tôi hoàn toàn tin tưởng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cũng như sự yêu mến tin tưởng của nhân dân thì VOV và các cơ quan báo chí chủ lực sẽ tiếp tục phát triển, thực hiện hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Nguồn VOV.VN