Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm chủ động thực hiện Chỉ thị số 01 (ngày 18/2/2021) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng.
Trong kỷ nguyên số, không thể phủ nhận những được những lợi ích của các thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, song bất kể ai cũng đang phải đối mặt với rất nhiều những nguy cơ rủi ro về an ninh mạng. Đối với các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam nếu không bảo đảm được an ninh mạng trong quá trình tác nghiệp, thì đầu tiên có thể bị mất các dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, sẽ còn nhiều vấn đề nguy hiểm hơn nếu không quan tâm đến vấn đề bảo đảm an ninh mạng.
Ông Vũ Hải Quang – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam- ảnh VOVTC
“Là một cơ quan truyền thông hàng đầu của Đảng và Nhà nước, thì vấn đề an ninh mạng cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu không bảo đảm được an ninh mạng, chúng ta sẽ bị mất các tin bài mà biên tập viên, phóng viên đi làm về, mà chưa kịp phát sóng. Khi tin bài bị mất và được phát sóng trước, thông tin cũ và không còn giá trị. Tiếp đến là có thể bị xóa sổ toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu trong hệ thống, hoặc chiếm quyền điều khiển của hệ thống” - ông Vũ Hải Quang – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định.
Việt Nam trong nhiều năm nay vẫn thuộc Top 7 quốc gia mất an toàn thông tin mạng trên thế giới. Do đó, cùng với việc luôn thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong cơ quan, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cần quan tâm thực hiện.
“Con người thì liên quan đến trình độ, ý thức chấp hành quy định về an toàn thông tin, cũng như các nhận thức về an toàn thông tin. Có thể máy tính của cơ quan thì được bảo vệ rất tốt rồi, nhưng máy tính cá nhân của chúng ta không thể tránh khỏi khi chúng ta làm việc ở nhà. Chúng ta sử dụng máy tính cá nhân để làm việc, thì việc chúng ta bảo vệ máy tính cá nhân cách đơn giản nhất là cài các phần mềm diệt virus có bản quyền. Khi chúng ta phát hiện thấy hệ thống máy tính, hoặc thiết bị nào đó bị tấn công hay nghi ngờ bị tấn công, thì cần thông báo ngay cho bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin.
Thiếu tá Vũ Duy Thăng – Trưởng phòng Phân tích Mã độc, Viện 10, Bộ Tư lệnh 86 - ảnh VOVTC
Một vấn đề nữa là chúng ta không nên tự ý cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc, đây là hình thức phát tán mã độc rất phổ biến, nên có một bộ phận chuyên trách để cài đặt và có một cái kho phần mềm đã được qua kiểm tra toàn thông tin. Chúng ta cũng có thể tự bảo vệ mình bằng cách đặt mật khẩu mạnh” - Thiếu tá Vũ Duy Thăng – Trưởng phòng Phân tích Mã độc, Viện 10, Bộ Tư lệnh 86 chia sẻ.
Tại Hội thảo "Đảm bảo an ninh mạng trong tình hình mới", các chuyên gia an ninh mạng đến từ Bộ Tư lệnh 86, Công ty Cisco Việt Nam đều khuyến cáo rằng, mặc dù sử dụng mật khẩu mạnh (bao gồm chữ, số, kí tự, chữ viết hoa…) thì mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phải thay đổi mật khẩu thường xuyên, ít nhất là 3 tháng/lần./.