Thông tin tại một hội thảo về kinh tế báo chí mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài PTTH giảm 23% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống…Trong khi đó, hiện nay hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước; chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ. Tuy nhiên, bài toán khó dường như vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã có trao đổi với phóng viên về vấn đề kinh tế báo chí trong bối cảnh hiện nay.
PV: Thưa ông, kinh tế báo chí là nội dung đang được nhiều cơ quan báo chí quan tâm đẩy mạnh, phát triển, song thời gian qua vẫn gặp không ít khó khăn, ông có nhận định gì về bức tranh kinh tế báo chí hiện nay?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Trong mấy năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Sức khỏe” của nền kinh tế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các cơ quan báo chí.
Có một thực tế rằng, khi doanh nghiệp tiết giảm chi phí để tiết kiệm, tăng hiệu quả hoạt động, thì thường chi phí liên quan đến truyền thông sẽ bị xem xét cắt giảm đầu tiên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ và các hoạt động dịch vụ. Một số cơ quan báo chí đỡ khó khăn hơn là nhóm hoạt động dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc từ đặt hàng của các bộ, ngành, địa phương hoặc tổ chức.
Nhìn chung báo chí hiện nay gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc trang trải kinh phí để phục vụ hoạt động của mình.
Ngoài ra, việc chuyển dịch hoạt động quảng cáo của người dân và doanh nghiệp từ nền tảng truyền thống sang các nền tảng trực tuyến, xuyên biên giới cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, doanh thu của các cơ quan báo chí.
Sự phát triển bùng nổ của các nền tảng này càng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến công chúng cũng như nguồn thu của báo chí. Tôi nghĩ đây là hai khó khăn lớn đang chi phối và ảnh hưởng đến khi chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí Việt Nam nói chung hiện nay.
PV: Đứng trước những khó khăn như ông vừa chia sẻ, trong thời gian tới các cơ quan báo chí cần có những định hướng ra sao để vừa đáp ứng yêu cầu về tuyên truyền cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, thưa ông?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng, mỗi cơ quan báo chí đều có những lối đi riêng để thu hút nguồn thu phục vụ nhiệm vụ của mình. Ngoài những nền tảng truyền thống, bắt buộc cơ quan báo chí cũng phải đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình để có nguồn thu phục vụ sự triển sự nghiệp báo chí. Ví dụ, nếu trước đây chúng ta chỉ có những nền tảng truyền thống thì giờ đây cũng phải quan tâm xây dựng những kênh phân phối nội dung trên nền tảng khác như nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới… đồng thời cũng phải nắm được kỹ năng về kinh doanh, về các xu hướng quảng cáo trực tuyến để có thêm nguồn thu phục vụ nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ như tổ chức sự kiện, hội thảo, các sự kiện thể thao… sản xuất những nội dung mang tính chất độc quyền - chính những nội dung này mới có khả năng thu hút được người xem, qua đó thu hút được quảng cáo tài trợ.
Xu hướng nữa cũng được một số cơ quan báo chí đang thử nghiệm đó là phát triển những người đọc, người nghe, người xem, hay nói chung là công chúng trả tiền cho tin tức.
Song tôi cho rằng, mức độ thành công của hình thức này chưa phải là lớn, đây mới chỉ là cách vừa làm vừa dò đường của các cơ quan báo chí hiện nay. Trong tương lai khi vấn đề bản quyền và các quy định của pháp luật chặt chẽ hơn, thì đây cũng có thể là một hướng để tăng nguồn thu của cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó cũng phải tái cấu trúc lại nguồn lực mỗi đơn vị báo chí để đảm bảo hoạt động một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, giảm chi phí, như vậy mới tạo được hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Tôi nghĩ có rất nhiều cách khác nhau để mỗi cơ quan báo chí tìm ra những hướng đi phù hợp.
Tại Đài Tiếng nói Việt Nam có 2 hệ thống là Đài Truyền hình kỹ thuật VTC và báo điện tử VTC News là những đơn vị tự chủ hoàn toàn về nguồn thu và chi phí sản xuất, vận hành ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước về mặt cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng theo Nghị định 60.
Ngoài ra, nhóm tự chủ thuộc nhóm 4, nhóm 3, tức tự chủ khoảng 30-40% tổng kinh phí hoạt động của mình thì hai nhóm báo chí này có cách hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, duy trì, phát triển và tăng thêm nguồn thu vẫn là một trong những thách thức và khó khăn mà lãnh đạo các đơn vị báo chí đang phải đối diện và xử lý.
Hiện nay, đã có xu hướng trở thành quan điểm chính thống là báo chí cách mạng thì “cách mạng” nuôi. Nói một cách đơn giản là những cơ quan báo chí thực hiện những nhiệm vụ tuyên truyền chính trị thì phải dựa vào nguồn thu từ đặt hàng của các tổ chức, bộ, ngành và các doanh nghiệp để tăng nguồn đầu tư.
Tôi cho rằng đây cũng là một xu hướng đúng, nhất là đối với báo chí ở các tỉnh, thành phố với sự năng động, ngân sách của địa phương đủ lớn thì bước đầu các cơ quan báo chí cũng đảm bảo hoạt động của mình và cũng có không gian và nguồn kinh phí tương đối đủ để hoạt động.
Đối với các cơ quan báo chí Trung ương, chúng ta đang phải xử lý những vấn đề như đơn giá, định mức sản xuất… đòi hỏi phải có các cơ quan chuyên ngành hoàn thiện những quy định. Về cơ chế đặt hàng cho báo chí, Bộ TTTT đã ban hành thông tư 05 góp phần tháo gỡ một phần khó khăn về định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở đăt hàng báo chí. Hiện nay, báo chí cần nhiều chính sách hỗ trợ nữa như: thuế, đầu tư về hạ tầng công nghệ, kỹ thuật… Đó cũng là một nguồn thu mà tôi nghĩ đây chắc là nguồn hoạt động chính của các cơ quan báo chí Việt Nam trong tương lai.
PV: Như ông vừa nhắc đến tiêu chí kỹ thuật về tính định mức sản xuất sản phẩm chưa có, với cơ quan báo chí truyền thông nói chung đã khó, những cơ quan báo chí Nhà nước giống như VOV càng khó khăn hơn trong việc tính toán sản phẩm. Ông có thể cho biết những vướng mắc riêng đối với Đài TNVN trong quá trình tiến tới tự chủ?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật để tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí sản xuất cho một sản phẩm báo chí, bao gồm cả những chi phí về nhân công, thiết bị máy móc, chi phí truyền dẫn phát sóng và những chi phí hợp lý, hợp lệ để tính đúng, tính đủ nhu cầu sản xuất và phân phối các sản phẩm báo chí rất quan trọng.
Chúng ta hiện nay có rất nhiều cái vướng. Ví dụ như có những phiên bản tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số cần phải thuê chuyên gia nhưng mức thuê như thế nào cho hợp lý và phải có căn cứ để làm cơ sở đặt hàng hoặc cấp ngân sách. Tương tự như các chi phí khác nữa, rất nhiều những quy định về tiêu chuẩn, đặc thù của từng loại hình báo chí, từng cơ quan báo chí.
Cụ thể là cơ quan báo chí có đông người đọc, đông công chúng thì mức độ sản phẩm dịch vụ của họ cũng phải khác với các cơ quan báo chí có người đọc và công chúng hạn chế hơn.
Thứ hai, báo chí đặc thù là một hoạt động sáng tạo, do đó, không có thang chung. Ví dụ có thể áp dụng chuẩn bình thường khi chúng ta sản xuất ra những sản phẩm báo chí ở mức độ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi bình thường. Thế nhưng đối với những sản phẩm báo chí chất lượng đặc biệt, thu hút được công chúng, hấp dẫn thì đòi hỏi thứ đội ngũ làm báo có trình độ rất cao, đầu tư về công nghệ, kỹ thuật, hình ảnh, những chi phí đi lại, công tác, xử lý thông tin… rất nhiều chi phí cần phải tính đúng, tính đủ mới giúp cho các cơ quan báo chí đảm bảo được sự yên tâm tập trung vào sản phẩm có nội dung, chất lượng phục vụ công chúng tốt hơn. Việc này cũng nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của mình tốt hơn.
Quan trọng nhất hiện nay là tạo ra được những sản phẩm báo chí thuyết phục được công chúng, khi có những vấn đề gây ra những dư luận xã hội, tranh luận trong xã hội… Với sự xuất hiện hoặc vào cuộc của các cơ quan báo chí, cùng các sản phẩm báo chí tốt, sẽ góp phần định hướng được công chúng một cách tốt hơn và tạo ra sự đoàn kết đồng thuận xã hội và tinh thần hứng khởi trong xã hội phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
PV: Trong bối cảnh bùng nổ của các nền tảng số, mạng xã hội, việc vừa đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, thể hiện tính đi đầu, dẫn dắt, định hướng công chúng đến những thông tin chính xác, vừa đáp ứng phát triển kinh tế báo chí liệu có tạo ra những xung đột không, thưa ông?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Không hề có gì xung đột ở đây. Liệu chăng, cái xung đột chính là nguy cơ và cạnh tranh khốc liệt hơn so với trước đây. Hiện nay, không chỉ các cơ quan báo chí có khả năng sản xuất nội dung mà ngay các cá nhân bình thường cũng có thể sản xuất những nội dung báo chí hoặc giống giống báo chí hay những nội dung đáp ứng được sự quan tâm của công chúng.
Sản phẩm hiện nay rất đa dạng đáp ứng từ nhu cầu giải trí đến nhu cầu đọc, nhu cầu nâng cao kiến thức, nhu cầu thư giãn mà các tổ chức gọi là ngoài báo chí có khi họ lại có năng lực sản xuất tốt hơn, bởi vì nền tảng hiện nay không phải độc quyền. Nền tảng xuyên biên giới thì ai cũng có thể sản xuất nội dung và phân phối trên đó.
Vấn đề là các cơ quan báo chí phải khẳng định được khả năng, sự ưu việt, vượt trội của mình và đi vào những nội dung thuộc về thế mạnh, tính chuyên nghiệp.
Nếu cùng một dòng sản phẩm, một dòng nội dung thì phải sản xuất được những nội dung tốt hơn hấp dẫn hơn. Có như vậy mới thu hút được công chúng.
Báo chí cần phải tận dụng được tốt, tận dụng tối đa những lợi thế của không gian số để phát triển nội dung, phát triển công chúng, xây dựng thương hiệu. Qua đó có thể tìm được những nguồn thu phục vụ nhiệm vụ của mình. Những người làm báo phải luôn nhớ rằng, báo chí sinh ra để phục vụ sứ mệnh về thông tin và truyền thông, chứ không phải là báo chí sinh ra để làm kinh tế hay để kinh doanh có lãi, để làm giàu. Nếu ai có quan niệm như thế về báo chí thì đó là quan điểm chưa đúng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vân Anh - Nguyễn Trang VOV.VN