
+ Thưa ông, tôi quan tâm về phát biểu của ông tại Diễn đàn Tổng Biên tập: “Ở tầm vĩ mô, các cơ quan báo chí không thể tự thân giải quyết được khi gặp những khó khăn, bắt buộc các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ xứng đáng...”. Trong vấn đề chuyển đổi số báo chí, bài toán chính sách nào theo cách nhìn nhận của ông là sự “hỗ trợ xứng đáng” trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của toàn xã hội nói chung và báo chí nói riêng. Ở Việt Nam trừ một số cơ quan báo chí lớn, một vài đơn vị báo chí được hình thành trên cơ sở những công ty công nghệ lớn đứng sau, có thể chủ động ở mức độ nào đó xây dựng kế hoạch chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình, và tự triển khai thực hiện, còn lại phần lớn là đang đứng trước những khó khăn trong việc xác định hướng đi, cách làm, công nghệ, nguồn lực cho chuyển đổi số. Trên thực tế, theo quan sát của tôi, có một số cơ quan báo chí đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng hiệu quả kinh doanh từ các nền tảng số cũng chưa như kỳ vọng. Ngay cả những cơ quan báo chí chủ lực, có vai trò vị trí hết sức quan trọng, thì cũng cần những hỗ trợ về nguồn lực công nghệ, tài chính, chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, đảm bảo tránh những rủi ro có thể xảy ra. Những vấn đề lớn như an toàn an ninh thông tin, bảo vệ bản quyền, chia sẻ các nền tảng kỹ thuật, công nghệ chung trong điều kiện nguồn lực hạn chế, chính sách quản lý quảng cáo, chính sách khuyến khích về thuế… là những vấn đề mà các cơ quan báo chí không thể tự mình giải quyết được, cần sự đồng hành của thể chế, chính sách.
Tôi nhận thấy trong những năm gần đây Bộ Thông tin & Truyền thông đã thực hiện rất tốt vai trò dẫn dắt định hướng của mình và có nhiều hỗ trợ đối với báo chí. Chúng tôi mong muốn các bộ ngành khác cũng dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc hỗ trợ chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí.
