Với chủ đề “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số”, Liên hoan Phát thanh lần thứ XVI – năm 2024 đã thu hút 33 đài phát thanh – truyền hình (Phát thanh - Truyền hình) địa phương và các đơn vị thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tham gia dự thi loại hình trực tiếp.
Vấn đề nóng, lạ, nhạy cảm được khai thác trên sóng trực tiếp
Tại hội nghị “Phát thanh trực tiếp trong kỷ nguyên đa phương tiện, đa nền tảng” trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024, diễn ra chiều 12/7 do Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng chủ trì, bà Xuân Thị Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Thư ký Biên tập Đài VOV cho biết, đây là một kỳ liên hoan ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, thể hiện từ sự khai thác nội dung, sáng tạo trong cách dàn dựng, độ chuyên nghiệp trong cách dẫn dắt chương trình. Đặc biệt, sự tham gia của công nghệ số trong hành trình đi cùng phát thanh, đi trong phát thanh đã tạo nên rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn khi phục vụ công chúng.
Những vấn đề nóng, lạ, nhạy cảm được khai thác trên sóng trực tiếp và trên nền tảng mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của cả thính giả truyền thống qua radio và khán thính giả theo dõi qua livestream, mang lại sự tương tác rõ nét với chương trình.
Chủ đề “Some – Những góc khuất” của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng, phát trực tuyến và trực tiếp trên cả 3 nền tảng: radio, truyền hình, livestream trên fanpage gây hiệu ứng xã hội lớn. Các trang mạng, group mạng xã hội lớn lấy chủ đề này ra để thảo luận, với hàng trăm nghìn lượt tương tác và rất nhiều ý kiến khác nhau.
Nhà báo Lê Phương Thuý, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng chia sẻ, đài đã kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố: hình thức phát thanh trực tiếp, tương tác livestream, phóng sự chèn có hình, bố trí điểm cầu Hải Phòng… Và chị cũng thực sự tự hào kể khi tác phẩm được phát sóng đã nhận về hàng trăm nghìn lượt xem, like, chia sẻ cũng như bình luận. Nhanh chóng viral (phổ biến) trên các nền tảng như Facebook, Tiktok và Youtube…
“Đây là câu trả lời rõ nhất cho tính tương tác được cộng hưởng và mở rộng phạm vi tới công chúng khi Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng lựa chọn hình thức phát thanh đa nền tảng”, chị Thúy bày tỏ.
Đồng quan điểm, phóng viên Nguyễn Hưng, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một chương trình phát trực tiếp chính là lựa chọn và xây dựng đề tài có sự quan tâm của dư luận.
“Cách làm của chúng tôi là theo dõi các xu hướng trên mạng xã hội. Sử dụng các công cụ phân tích mạng xã hội để theo dõi các từ khóa và chủ đề đang được thảo luận nhiều trên các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram, và YouTube. Các công cụ như Google Trends, BuzzSumo, hoặc các tính năng tìm kiếm nâng cao trên mạng xã hội có thể giúp xác định các chủ đề nóng, được nhiều người quan tâm. Và ưu tiên lựa chọn đề tài có tính thời sự (thậm chí là gây tranh cãi), những vấn đề gây tranh cãi thường kích thích sự thảo luận và tương tác mạnh mẽ”, phóng viên Nguyễn Hưng cho hay.
Tuy nhiên đại diện Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An cũng cho biết, khi lựa chọn các chủ đề này, cần phải xử lý một cách khéo léo và cân nhắc để tránh gây ra xung đột hoặc hiểu lầm không mong muốn. Ví dụ như chương trình tham gia dự thi Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024 của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An có góc nhìn mở “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp – đâu là giá trị thực?” và “Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã - Không chỉ là phép cộng”.
Anh Nguyễn Hưng cũng vui mừng thông báo, “trái ngọt” đầu tiên sau nhiều nỗ lực đưa phát thanh trực tiếp lên đa nền tảng là Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An vừa nhận được quảng cáo đầu tiên thông qua nền tảng số.
Cơ hội rất lớn cho loại hình podcast
Chia sẻ niềm vui cùng một số thành quả của các đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, trong thời đại ngày nay, không có loại hình báo chí hay cơ quan báo chí nào có thể chi phối tuyệt đối công chúng. Cơ hội chia đều cho tất cả nếu có khả năng sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của công chúng.
Trong những năm trở lại đây với sự bùng nổ của không gian số, phát thanh đang trở lại, nhu cầu tiếp cận sản phẩm âm thanh trên mạng của công chúng ngày càng nhiều hơn, đó có thể là nhu cầu nghe nhạc, cũng có thể là nhu cầu nghe tin tức.
“Tại VOV, một số phóng viên khi đi trao đổi nghiệp vụ ở nước ngoài về có chia sẻ rằng, xu hướng podcast đang rất phát triển ở các nước phát triển. Thực tế đây là loại hình xuất phát từ radio và talk. Chúng ta cũng đang có cơ hội rất lớn trong phát triển thể loại này”, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc VOV cũng nói rằng, ông không đồng tình với quan điểm đầu tư cho phát thanh “rẻ”, đầu tư cho truyền hình “đắt”: “Muốn đấu tư “xịn” sẽ phải chấp nhận chi phí đắt, kể cả cho phát thanh, nhất là khi đầu tư để phân phối trên tất cả các kênh. Khi chuyển đổi số, một ekip làm phát thanh không chỉ là 1 kỹ thuật viên bình thường, phát thanh viên mà còn cần nhiều nhân tố khác để làm được 1 sản phẩm”.
Theo nhà báo Phạm Mạnh Hùng, cần đầu tư trở lại cho phát thanh, trong đó tập trung vào yếu tố con người, thiết bị phát thanh, nguồn lực cho phát thanh. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là nhận thức của lãnh đạo trong vấn đề này.
Qua tham luận, chia sẻ của các Đài Phát thanh - Truyền hình tại hội thảo, nhà báo Phạm Mạnh Hùng chỉ ra rằng, khi chọn được đề tài đúng, đủ tính hấp dẫn sẽ thu hút được công chúng tương tác nhiều hơn. Thường xuyên chọn được đề tài hay, các cơ quan phát thanh sẽ ngày càng có nhiều công chúng. Từ đề tài về “some” của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng khi tham gia Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhận định, việc chọn đề tài hay đã khó, nhưng khi đi vào những đề tài nhạy cảm, khiến chính người thực hiện đôi khi vẫn băn khoăn có nên thực hiện nay không lại càng khó. Qua đó thấy được vai trò định hướng rất lớn của lãnh đạo các cơ quan cũng như ekip thực hiện, càn làm sao để khi thể hiện có thể tránh những lệch lạc, kiểm soát tốt vấn đề.
Với loại hình phát thanh trực tiếp, bên cạnh đề tài cũng cần đặc biệt tôn trọng tính chân thật của vấn đề. Các cơ quan báo chí phát thanh cũng cần quan tâm đến tái cấu trúc nguồn lực con người, đơn cử như với phát thanh trực tiếp, cần có mô hình tổ chức rõ ràng, trong đó nhiệm vụ của từng nhân sự là gì.
Theo Phó Tổng Giám đốc VOV, làm phát thanh trong thời đại ngày nay có những yêu cầu cao hơn, không chỉ là sản xuất những sản phẩm phát thanh “đóng gói” phát trên các nền tảng truyền thống mà còn cần tự làm mới mình. Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi số, các chương trình phát thanh trực tiếp cũng không nên lạm dụng thái quá kênh hình ảnh. Bởi cốt lõi phát thanh phải là sức mạnh của ngôn ngữ, tiếng nói. Một người làm phát thanh cần biết phát huy những thế mạnh về ngôn ngữ, kể những câu chuyện hay, gợi mở vấn đề bằng ngôn ngữ. Khi sử dụng và tập trung quá nhiều vào hình ảnh sẽ thủ tiêu năng lực về ngôn từ. Đây là nguy cơ trong bối cảnh làm phát thanh đa phương tiện mà những người làm phát thanh cần chú ý.
Bên cạnh đó, cũng cần nói rằng, làm phát thanh đa phương tiện cũng khác với phát thanh truyền thống. Ngày nay các chương trình phát thanh được livestream trên mạng xã hội, người làm phát thanh lại cần rất chuyên nghiệp, biết tận dụng công nghệ để làm sao truyền tải được nội dung của mình đến với công chúng.
“Muốn phát triển ngành phát thanh mạnh mẽ cần có sự thay đổi từ chính sách đến hành động, đến khả năng đầu tư, làm mới mình từ chính những người làm phát thanh. Sự phát triển của phát thanh không chỉ là sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam, càng có nhiều đài phát thanh phát triển, chúng tôi càng mừng, như vậy mới có thể có 1 ngành phát thanh mạnh, vị thế của ngành phát thanh mới có thể tái khẳng định lại”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.