Chào mừng đến với cổng thông tin điện tử Trung tâm đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông
Cập nhật :9:47 14/2/2023

VOVTC - Trước xu thế chuyển đổi từ mô hình truyền thông riêng rẽ sang hội tụ, việc duy trì, đổi mới để phát thanh vẫn giữ được nét gần gũi, hấp dẫn trong lòng thính giả là điều thôi thúc trong lòng những người nhà đài.

Từ khi chuyển đổi sang mô hình hội tụ, đội ngũ phóng viên của Đài Lào Cai buộc phải đa năng hơn bởi cùng lúc yêu cầu thực hiện cả sản phẩm phát thanh lẫn truyền hình, chưa kể báo điện tử.

Theo nhà báo Thu Hường, phóng viên từng chuyên mảng truyền hình, ban đầu khi phải làm việc “đa nhiệm” cũng khá ngại và cảm giác gò bó. Nhưng dần dà lại thấy thú vị vì học được thêm thứ ngôn ngữ đặc trưng của phát thanh, những ngộ nhận về loại hình báo chí này cũng tự nhiên được xóa bỏ.

Nhà báo Thu Hường (giữa) trò chuyện cùng đồng bào Dao đỏ tại một nghi lễ địa phương.

“Trước kia mình vẫn nghĩ đơn giản là từ một tác phẩm truyền hình chỉ cần cắt những từ kiểu như “này”, “kia”, “ấy”, “nọ” đi, rồi thêm nhân vật này, nhân vật kia “cho biết” hoặc là “nói” vào là sẽ thành một tác phẩm phát thanh. Nhưng khi tiếp cận với những sản phẩm phát thanh thực thụ rồi, mình mới biết được rằng phải sử dụng âm thanh như thế nào để tác động tới người nghe là một việc rất khó”, nhà báo Thu Hường cho biết.

Tham gia mô hình hội tụ, biên tập viên Quỳnh Chi - một trong số “giọng đọc vàng” của Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai với thâm niên hơn 30 năm công tác cũng được trải nghiệm cảm giác lên sóng bằng cả ngôn ngữ phát thanh và truyền hình.

Biên tập viên Tiến Văn và Quỳnh Chi đang thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp.

Chị nhận thấy cùng là văn nói nhưng cách thể hiện của hai loại hình này hoàn toàn khác nhau. Phát thanh là phải sâu lắng, sử dụng ngôn ngữ nói làm sao thân thuộc, gần gũi với người nghe, không thể nào đọc ào ào được.

“Và phải có âm thanh nền, phải dùng ngôn ngữ hình ảnh, phải thể hiện trong mỗi phóng sự, kể cả trong tin, còn nếu chỉ sử dụng ngôn ngữ thông tấn thì người nghe sẽ không tưởng tượng ra được”, biên tập viên Quỳnh Chi chia sẻ.

Còn theo nhà báo Lê Liên - người từng có tác phẩm phát thanh đoạt giải A, B, C Giải Búa liềm vàng toàn quốc các năm 2019, 2021, 2022; giải Bạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2022, thì một tác phẩm phát thanh hội tụ được sự chân thật của cuộc sống, cảm xúc của nhân vật và cái tâm của người làm nghề chắc chắn sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng thính giả. Khi đảm nhiệm vai trò phóng viên đa phương tiện, được trang bị thêm nhiều kĩ năng mới, chị Liên càng thấy rõ thế mạnh của từng loại hình báo chí để phát huy.

“Hằng ngày mình vẫn để ý, khi nào có điều kiện hoặc có những đề tài phù hợp với phát thanh thì mình sẵn sàng làm. Và lúc đấy nghề nghiệp cũng như tình yêu dành cho phát thanh trong mình lại cháy lên, thôi thúc mình làm”, nhà báo Lê Liên cho hay.

Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Anh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai, mô hình hội tụ là bước chuyển đổi bắt buộc của đài để phù hợp với xu thế, vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa phục vụ tối đa công chúng ở các loại hình báo chí khác nhau với cùng nội dung thông tin. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không ít khó khăn phát sinh cũng như có những yếu tố chưa phù hợp phải điều chỉnh để nâng cao hiệu quả thông tin, đồng thời vẫn giữ được nét đặc trưng của từng thể loại.

“Khi tổ chức, sắp xếp lại sản xuất thì mỗi người đòi hỏi phải linh hoạt, đáp ứng nhiều vị trí. Thách thức lớn nhất là tất cả anh chị em đều phải đổi mới, phải tự học hỏi, phải nỗ lực không ngừng và sẽ không có đích đến cuối cùng, bởi vì truyền thông là lĩnh vực luôn thay đổi”, bà Hải Anh cho biết.

Dưới sự chỉ đạo, định hướng của Hội đồng Biên tập, sự tham mưu, thực hiện của các tổ biên tập, sản xuất chương trình cùng đội ngũ phóng viên và bộ phận hỗ trợ, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai đang thực hiện 5 chương trình thời sự truyền hình và 17,5 giờ phát thanh mỗi ngày.

Ngoài ra, còn hơn 90 chuyên đề, chuyên mục; trong đó, nhiều nội dung riêng cho phát thanh như “Tìm trong vốn cổ”; “Sao OCOP”; “Trang Văn học”; “Điểm đến du lịch và di sản văn hóa”… Các nội dung được đăng, phát đa nền tảng, bước đầu ra mắt sản phẩm đặc thù cho Tiktok, Podcast; ngoài tiếng phổ thông còn thực hiện các chương trình tiếng Mông, Dao, Giáy…

Phát biểu tại khai mạc một đợt tập huấn kĩ năng làm phát thanh cho Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định, dư địa để phát triển phát thanh còn rất lớn. Nếu một cơ quan báo chí vượt qua được sự trì trệ của mô hình bao cấp thì hoàn toàn có thể hóa giải thách thức, nắm lấy cơ hội để khẳng định mình, vì cơ hội cạnh tranh trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão là công bằng.

“Thời kì hiện nay, cơ quan báo chí nào càng gần công chúng, mang tính chất địa phương hơn, cá nhân hóa hơn thì càng có khả năng thuyết phục công chúng cao; thậm chí sự tác động còn lớn hơn những tin, bài mang tính phổ quát do phóng viên các báo trung ương thực hiện. Đây là cơ hội vô cùng lớn cho các đài địa phương”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, hầu hết các đài phát thanh - truyền hình trong khu vực Tây Bắc đều đã chuyển đổi sang mô hình truyền thông hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Qua các cuộc thi, các đợt giao lưu, cọ xát, có thể thấy các sản phẩm phát thanh trong khu vực phong phú hơn về lượng và ngày càng hướng đến chất. Còn việc đón nhận cụ thể như thế nào, công chúng mỗi địa phương sẽ là người nắm giữ câu trả lời.

An Kiên

Bài liên quan