Chào mừng đến với cổng thông tin điện tử Trung tâm đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông
Cập nhật :15:57 17/2/2022

VOVTC - Điểm yếu của phát thanh là không có hình ảnh? Nhưng điểm mạnh của phát thanh cũng chính là không có hình ảnh

Thầy giáo dạy tôi ở trường Báo chí có nói đại ý rằng: người ta bảo rằng phát thanh là loại hình truyền thông  có điểm yếu là không có hình ảnh (chỉ có âm thanh). Nhưng thực ra, điểm mạnh của phát thanh lại cũng chính là không có hình ảnh, mà chỉ có âm thanh. Người nghe tập trung cảm nhận mọi điều thông qua thính giác và thoả sức liên tưởng, khiến cảm xúc của họ trở nên mãnh liệt!

 Radio gợi sự liên tưởng. Hồi nhỏ nghe tiếng hát từ trong chiếc máy thu thanh cũ kỹ hình chữ nhật to bằng viên gạch mà tôi cũng chẳng nhớ nhãn hiệu gì, tôi cứ hình dung trong chiếc đài kia hẳn có một cô gái rất xinh đẹp, da trắng ngà, môi hồng đào, mặc áo màu đỏ duyên dáng, với hai bím tóc dài mượt mà….... Người hẳn phải đẹp lắm thì mới có giọng hát hay đến như vậy!

Thế đấy, chẳng nhìn thấy được nên người ta hình dung. Thậm chí những điều đẹp đẽ trong tưởng tượng lại còn đẹp đẽ hơn thực tế rất nhiều lần.

Giọng nói phát ra từ radio lắm khi ma mị, dẫn dắt người ta, thuyết phục người ta tin theo một điều gì đó. Giọng nói ấy xa thật xa, gần thật gần...; bên ta mọi lúc mọi nơi, tâm sự với ta, như thấu hiểu tận tâm can gốc rễ ta, trở nên thân thiết đến mức vắng thì ta thấy thiếu…

 

Đối với nhiều người, phát thanh là phương tiện cung cấp thông tin hữu hiệu (ảnh: TTO)

Có lần tôi đọc một cuốn sách, có đoạn mô tả một chương trình phát thanh trực tiếp, một chương trình tương tác mà người nghe có thể gọi điện tới đài phát thanh để nói lên tâm sự của mình. Nhà văn mô tả rằng chương trình phát thanh sống động tựa như ta đang thấy một con tôm càng bật tanh tách từ dưới sông lên, giãy giụa trên bờ cỏ ướt sương buổi sớm. Đúng là sống động thật!

Nghe những lời nói của nhân vật trên radio… Giọng của mỗi người có một âm sắc khác nhau, ngữ điệu khác nhau. Người ta nói năng lúc khoan lúc nhặt, lúc buồn lúc vui, độ biểu cảm thật rõ rệt. Và theo tâm lý thông thường, chẳng khi nào lúc nghe mà thính giả lại không có chút hình dung tưởng tượng về người đang nói.

Tôi bắt đầu làm việc ở Đài phát thanh từ năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học. Ban đầu, tôi làm việc tại Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc. Những bài học đầu tiên của tôi từ các cô chú đồng nghiệp trong phòng (gọi là phòng Việt kiều), là khi viết bài phải thể hiện một cách nhẹ nhàng, tế nhị và sâu sắc, bởi đối tượng nghe chúng ta đa phần là những người có học thức, họ xa Việt Nam đã lâu nên khá thiếu thông tin về quê nhà (hồi đó còn chưa có mạng Internet và các báo mạng điện tử, trang thông tin điện tử như bây giờ).

Các đồng nghiệp lớn tuổi hơn cũng dạy tôi rất nhiều về việc phải chuẩn bị văn bản kỹ như thế nào để dựng chương trình, sao cho không thừa tin bài (vì thời lượng chương trình phát thanh có giới hạn), lại cũng không thiếu (gọi là bị “lố”, thừa thời gian mà chẳng còn gì để thu âm). Nếu bài do phát thanh viên chuyên nghiệp đọc, tùy ca làm việc của ai, người ấy có thói quen đọc nhanh hay đọc chậm, mà chương trình có thể bị thiếu, thừa 2-3 phút, thì phải có phương án dự phòng. (2-3 phút là khoảng thời gian rất dài, khi một phát biểu của nhân vật trong bài có khi chỉ 10-20 giây, một nét nhạc “cắt” có khi chỉ 2-5 giây…). Với những bài tự mình trình bày, thì phải nhẩm trước văn bản một vài lần, để khi vào thu âm không bị vấp, không đọc sai.

Như các phóng viên được tuyển vào Đài TNVN theo từng đợt, nhóm phóng viên chúng tôi vào làm việc tại Đài TNVN năm 1993 phải lọt qua 3 vòng thi, sau đó được đào tạo rất kỹ càng, bao gồm nhiều khóa học trong đó có những lớp học về dẫn chương trình, cách trình bày lời nói trong phòng thu (studio). Đây là khó khăn với riêng tôi, vì thói quen ngày thường tôi nói rất nhanh, giọng cao và yếu ớt, các âm sắc không rõ ràng. Cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của tôi có lần từng góp ý: “Con gái cần phải nói từ từ, giọng có nhấn nhá lên trầm xuống bổng một chút…” (tôi hiểu ý cô giáo nhắc nhở mình và không khỏi thấy buồn, mất tự tin vì phát hiện ra điểm yếu “khó chữa” như thế). Trong các lớp học về kỹ năng đọc, các phát thanh viên kỳ cựu Hoàng Yến, Hà Phương, Kim Cúc, Việt Hùng… hồi ấy dạy cho chúng tôi cách lấy hơi, cách nuốt nước bọt sao để không bị “ăn” vào micro, cách luyện đọc thật chậm (từng từ một) để có thể phát âm tròn vành rõ chữ, điều chỉnh giọng nói và biểu cảm sao cho phù hợp.v.v…

Nhờ công việc phải luyện đọc, luyện nói mà thời gian sau, tôi đã có giọng nói rõ ràng, dễ nghe hơn khiến những người bạn lâu ngày gặp lại phải thấy hơi lạ.

Theo hướng dẫn của các phát thanh viên, hàng ngày lên phòng thu tôi ghi âm giọng đọc của mình vào băng cối (hồi đó thu âm theo kỹ thuật analog, dùng băng cối) rồi lúc máy rảnh lại sang phát lên nghe lại để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nhược điểm của mình.

Những lần đầu vào trong studio cách âm ở Trung tâm Âm thanh, tai tôi ù đi và cảm thấy khó thở vì không quen với môi trường không tiếng động. Do hồi hộp, tôi đọc vấp lên vấp xuống, khiến phải thu đi thu lại, thiếu thời gian, làm các kỹ thuật viên thu âm thấy bực mình, lo lắng (vì các chương trình được bố trí giờ thu âm nối tiếp nhau, giờ giấc rất chặt chẽ). Trong một khóa đào tạo phóng viên mới, một chuyên gia Anh đã dạy chúng tôi cách để bình tĩnh, thoải mái trong phòng thu: vào phòng, ngồi hoặc đứng tùy ý, chỉnh micro vừa tầm, rồi phồng má, trợn mắt, lấy tay tự đập vào đỉnh đầu, vươn vai, vặn tay, làm vài động tác thể dục… mất độ 2 phút khởi động như vậy là sẽ đọc, nói ngon lành, nếu trong đầu đã có chuẩn bị điều định nói.

Lần đầu tiên nhận được thư thính giả khen giọng đọc của mình, tôi mừng rỡ đến phát khóc!.

Tôi dần gắn bó với nghề phát thanh. Mỗi khi biên tập, thu dựng được một chương trình hay, thấy vui như đứa trẻ được quà. Nhưng khi về nghe lại lúc phát sóng, vẫn phát hiện ra những lỗi mà lẽ ra mình có thể khắc phục để chương trình hay hơn. Biên tập âm thanh, thu dựng chương trình phát thanh cũng là công việc đầy hấp dẫn.

Nhiều người bảo với tôi rằng, họ thích chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có nhiều truyện ngắn, tự đọc thầm bằng mắt người ta thấy cũng bình thường, nhưng khi nghe qua giọng đọc của phát thanh viên, lại thêm vài nét nhạc phù hợp với tâm trạng, tình huống được mô tả trong truyện, thấy hay vô cùng!

Họ hẳn không biết "chuyện bếp núc" là các biên tập viên Văn nghệ cũng phải đọc, cảm nội dung truyện, rồi tìm nhạc, nghe thử nhạc để chọn cho đúng loại nhạc phù hợp với câu chuyện... bao nhiêu công phu mới làm nên những chương trình đọc truyện đi vào lòng người như thế.

Phỏng vấn phát thanh cũng vậy. Câu hỏi được đưa ra, không chỉ là ý tứ sắc sảo của phóng viên, còn thể hiện bằng giọng hỏi thân thiện hoặc thẳng thắn. Câu trả lời chứa đựng nhiều cảm xúc của người nói. Một cuộc phỏng vấn hay trên radio nghe sống động gấp nhiều lần so với đọc trên báo giấy.

Một thời gian, trong cuộc cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà ưu thế thuộc về các phương tiện truyền thông mới, những người xung quanh tôi ít nghe đài. Có lúc tôi đã mua chiếc đài nhỏ, tặng cho bạn bè để thuyết phục họ rằng có nhiều chương trình trên Đài TNVN rất hay và sau khi nghe họ công nhận điều đó. Thế nhưng lắm khi tôi hỏi một ai đấy có nghe đài không, thì hay nhận được câu trả lời rằng “nhà không có đài…”

Mấy năm gần đây, hạ tầng Internet  ngày càng phát triển, Đài TNVN đưa lên mạng ngày càng nhiều chương trình phát thanh với chất lượng cao hơn, để phục vụ nhu cầu của những thính giả xưa kia chỉ nghe những gì nhà đài có, nhà đài phát, thì nay đã có thể chủ động chọn nghe những gì họ muốn nghe. Các chương trình phát thanh cũng đã  đang thay đổi nhiều để phù hợp với tâm lý tiếp nhận thông tin của lớp thính giả mới hiện nay. Các đồng nghiệp của tôi đã có thể sử dụng Internet để tương tác với thính giả, làm tăng giá trị của các chương trình phát thanh… Đã hình thành một nhóm đối tượng thính giả nghe Đài qua Internet và thiết bị di động.

Phát thanh vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng, như khẳng định của rất nhiều chuyên gia trên thế giới.

Mặc dù đã chuyển sang làm ở bộ phận khác (báo mạng điện tử VOV), nhưng tôi vẫn luôn nhớ những kỷ niệm khi làm phát thanh và vẫn luôn nghĩ rằng: Phát thanh thật tuyệt vời, bởi nó có điểm mạnh là: không có hình ảnh, chỉ có âm thanh!./.

Bài liên quan