Chào mừng đến với cổng thông tin điện tử Trung tâm đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông
Cập nhật :17:49 25/6/2022

VOVTC - Hôm nay (25/6), hội thảo khoa học "Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - truyền thống và hiện đại" do huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức tại Trung tâm văn hóa huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

"Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - truyền thống và hiện đại" là hội thảo khoa học về chủ đề văn hóa đồng chiêm lần đầu tiên được tổ chức ở huyện đồng chiêm Bình Lục - vùng đất cổ, nơi "rốn nước" của châu thổ sông Hồng, đồng bằng Bắc bộ. Hội thảo đã có hơn 40 tham luận của các nhà khoa học là các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, quân sự, kinh tế, văn hóa nghệ thuật...

Tham gia hội thảo có bài nghiên cứu của GS.TS Trịnh Sin (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) về "Công cuộc khai phá vùng chiêm trũng, Bình Lục - qua tư liệu khảo cổ học"; tham luận của TS. Đinh Đức Tiến (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); các nghiên cứu về "Làng đồng chiêm" của PGS.TS Bùi Xuân Đính (Hội Dân tộc học Việt Nam), "Thờ Nước, tín ngưỡng dân gian đặc sắc của xứ Đồng Chiêm Bình Lục" của TS. Võ Hoàng Lan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), về "Nếp sống và lối sống con người đồng chiêm Bình Lục qua Hương ước"... Ngoài ra còn có nhiều bài tham luận về ẩm thực đồng chiêm, nghề và làng nghề truyền thống, về truyền thống hiếu học của người dân Bình Lục, về Bác Hồ với Bình Lục, Bình Lục với Bác Hồ v.v.

Phát biểu tham luận về những yếu tố góp phần làm nên tên tuổi nhà thơ Nguyễn Khuyến - "Tam nguyên Yên Đổ - danh nhân văn hóa", PGS.TS Lê Thị Bích Hồng cho biết "Văn hóa là yếu tố còn lại khi quên đi tất cả", tức là ngoài các yếu tố nội lực, bản thân giàu nhân cách văn hóa và tài năng văn chương, phải nhắc đến yếu tố địa văn hóa và quê hương, gia đình như là "bệ đỡ" quan trọng cho "Tam nguyên Yên Đổ" Nguyễn Khuyến.

 

Theo Ths. Lê Xuân Huy - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Lục, các công trình nghiên cứu và thành tựu khoa học về "văn hóa đồng chiêm" có đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động sâu sắc tới đời sống của nhân dân. 

Trích lời thơ Trần Đăng Thao “Từ trong cái đói cái nghèo/ Mẹ cha nuốt lệ để gieo hạt vàng”, ông Lê Xuân Huy khẳng định văn hóa đồng chiêm là tài nguyên vô giá, sức mạnh to lớn trong đổi mới và phát triển bền vững quê hương Bình Lục: "Nói tới Bình Lục là nói tới một nghịch lý, quê hương càng nghèo thì tình quê càng sâu nặng, càng nghèo càng hiếu học... Nói tới Bình Lục là nói tới cặp biểu tượng văn hóa Núi Quế - Sông Ninh; nghĩ tới một bảo vật quốc gia mang tên một địa danh của Bình Lục là “Trống đồng Ngọc Lũ”, mà hiện nay, phiên bản của nó đã trở thành hình ảnh đại diện cho văn hóa Việt Nam - đất nước Việt Nam, đặt tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (Mỹ)./.

Bài liên quan